Y Tý mùa thu không chỉ có lúa chín

Thứ sáu - 11/09/2020 15:08

Săn mùa vàng Những ngày đầu tháng 9, Mạnh Tiến Khôi (1993) có chuyến đi 2 ngày 1 đêm tới Y Tý. Tuy chuyến đi ngắn ngủi nhưng Khôi tận hưởng được khá nhiều trải nghiệm ở Y Tý - nơi vốn nổi tiếng với các cung leo núi. Ngày đầu tiên, Khôi xuất phát từ Sa Pa đi Mường Hum check-in cổng trời Mường Hum, thác Rồng (thác Bạch Long) tại bản Trung Hồ Thấp, xã Trung Lèng Hồ. Trên hình là Khôi (phải) và anh A Hờ, một người dân tộc Mông trước đây làm porter dẫn khách leo núi nay phát triển thêm dịch vụ homestay, tour ngắm lúa...

 

Trên đường tới homestay ở Y Tý, mọi người còn được dừng chân ngắm nhìn những dòng suối, ruộng bậc thang và rừng già nằm dọc đường đi ở Sàng Ma Sáo, Dền Sáng. Gần 2 tuần đầu tháng 9 trôi qua, lúa nhiều nơi ở Y Tý đã chín và người dân địa phương cũng gặt dần để tránh mưa bão.

 

Những thảm vàng lúa chín trải rộng khắp các cung đường níu chân du khách. Lúa ở Y Tý hiện đã gặt khá nhiều và chỉ còn rải rác tới cuối tuần này là qua thời điểm đẹp nhất.

 

Săn biển mây trắng Y Tý nằm ở độ cao trên 2.000 m, lưng tựa vào dãy núi Nhìu Cồ San và đỉnh cao tới 2.660 m, gần như quanh năm mây phủ. Homestay Cloud Y Tý, Ngải Thầu Thượng, công viên Y Tý... là một số chỗ để bạn dừng chân ngắm biển mây. Đi du lịch không ai mong mưa nhưng ở Y Tý nếu trời mưa sau một đêm ngày hôm sau sẽ tràn ngập mây trắng, toàn cảnh núi non biến thành chốn thần tiên.

 
Y Tý mùa thu không chỉ có lúa chín

Biển mây trắng xóa bay vờn trên các đỉnh núi ở Y Tý. Buổi chiều ngày đầu tiên, Khôi được hướng dẫn viên là dân bản địa dẫn tới Ngải Thầu Thượng ngắm mây và hoàng hôn buông. Khung cảnh hùng vĩ và bao la của biển mây làm ai cũng thích thú. Mây Y Tý xuất hiện quanh năm nhưng thời gian đẹp nhất để săn mây thường vào cuối năm, khoảng tháng 10 tới tháng 3 năm sau.

 

Nghỉ homestay nhà dân Tuy chưa phát triển như các địa điểm khác, Y Tý hiện có một số nhà nghỉ, homestay do dân địa phương xây dựng để phục vụ du khách. Trường hợp đông quá không có chỗ ngủ, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của đồn biên phòng hoặc mang theo lều, tuy nhiên cần mang theo túi ngủ, quần áo ấm vì về đêm Y Tý rất lạnh. Các điểm homestay gợi ý cho khách tới Y Tý là: A Cơ, Y Tý Clouds, A Hờ, Cô Si, Discovery, Xá Hà Nhì... Trên hình là một phòng riêng ở 2 - 3 người ở homestay A Hờ. Tại đây giá ở nhà sàn 100.000 đồng/ đêm, phòng riêng là 300.000 - 400.000 đồng/ đêm.

 

Ăn đặc sản địa phương Khôi kể, ngay tại homestay bạn có thể đặt cơm với các đặc sản như gà đồi, các loại rau rừng, măng chua... chế biến theo nhiều cách khác nhau nên thực đơn khá hấp dẫn. Đặc biệt món gà nướng tẩm ướp gia vị bản địa tạo hương vị khác biệt. Trong chuyến đi 2 ngày 1 đêm, Khôi đặt tour đã bao gồm các bữa ăn.

Tìm hiểu đời sống dân bản Đến Y Tý lúc nào cũng có thể gặp trẻ em dân tộc tụ tập vui chơi trên các con đường vào bản. Lũ trẻ nhút nhát và rất dễ thương. Dư thời gian, bạn cũng nên ghé thăm bản làng của người Hà Nhì với những ngôi nhà trình tường độc đáo xây ngay trên nền đất, tường được làm từ đất nện, dày 40 - 40 cm, cao 4 - 5 m. Nếu có thời gian hãy tới cả chợ phiên Y Tý để thấy một chút không khí nhộn nhịp nơi vùng cao này.

 

Check-in công viên Y Tý Ngày 2, trước khi trở về Sa Pa buổi chiều, Khôi đi theo cung đường Y Tý - Choản Thẻn - cầu Thiên Sinh - Rừng Tống Cốn Sủi - Sa Pa. Và bản Choản Thèn với công viên cuối đường là điểm dừng đầu tiên. "Công viên Y Tý" là tên gọi ưu ái của dân địa phương lẫn khách du lịch khi nhắc tới mảnh đất ở cuối con đường qua bản Choản Thèn. Địa điểm này là nơi ngắm mây lý tưởng nên thu hút không ít nhiếp ảnh gia và du khách tới săn mây. Đứng từ chỗ 2 cây cổ thụ này, bạn được phóng tầm mắt ngắm những cánh đồng ruộng bậc thang vùng biên giới. Vào ngày trời đẹp, bạn sẽ thấy cả những mái nhà của bản làng Hà Nhì ẩn hiện trong mây. Trẻ em địa phương thường vui đùa ở đây và bạn có thể thả sức vui chơi, trò chuyện với chúng.

 

Check-in cầu Thiên Sinh, cột mốc 87 Cầu Thiên Sinh nằm ở cuối thôn Lao Chải, cách trung tâm xã Ý Tý gần 10 km. Theo tiếng dân tộc Hà Nhì, cầu có tên là Thiên Sân Shù có nghĩa "trời sinh". Cầu dài chỉ một mét, trước đây là một tảng đá tự nhiên bắc qua khe sâu hun hút, phía dưới là dòng suối Lũng Pô.

Mạnh Tiến Khôi, Khánh Trần

Nguồn tin:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Xem nhiều

1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây